​QUAN HỆ  VIỆT NAM – HÀN QUỐC:

I. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 22/12/1992.

II. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ

- Trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đưa 30 vạn quân sang Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

- Từ 1975-1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi Chính phủ.

- Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.

- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.

- Tháng 03/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Xơ-un.

- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại tp. Hồ Chí Minh.

III. Tình hình quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 1992 đến nay

1. Về chính trị, hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao hàng năm.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Te Chung (Kim Dae Jung) đã tuyên bố thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.

Tháng 10/2009, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Li Miêng Bác tháng 10/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Li Miêng Bác đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.

Tháng 02/2006, Bộ Ngoại giao hai nước thiết lập cơ chế trao đổi chính sách thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Tháng 10/2009, hai bên thỏa thuận nâng cơ chế trên thành Đối thoại chiến lược thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao về ngoại giao-an ninh-quốc phòng. Tháng 5/2014, hai nước đã tiến hành họp Đối thoại chiến lược Việt - Hàn lần thứ 3 tại Hà Nội.

Tháng 11/2011, tại chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Lãnh đạo hai bên nhất trí tuyên bố lấy năm 2012 là Năm Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2012). Trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Hàn Quốc và dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 2 tại Xơ-un; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Hàn Quốc và dự các hoạt động trong khuôn khổ “Tuần Việt Nam tại Hàn Quốc”. Các cơ quan, ban, ngành và địa phương hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Đại nhạc hội Hàn - Việt, Diễn đàn “Vì tương lai Hàn - Việt”, Tuần lễ ẩm thực Hàn Quốc, Diễn đàn Hàn – ASEAN...

Năm 2013, lần đầu tiên Phó Chủ tịch nước ta tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc (25/2/2013); Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng (21-24/7/2013) và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (25-28/8/2013) đã thăm Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Cang Chang Hi (13-16/01/2013) và Tổng thống Pắc Cưn Hê (7-11/9/2013) đã thăm Việt Nam3

2. Về kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Về đầu tư trực tiếp, tính đến tháng 4/2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư thứ lớn thứ 2 (sau Nhật Bản) trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.687 dự án có hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký là 30,4 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2014, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Các Tập đoàn, công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kumho Asiana... đều đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực không thuận, bản thân kinh tế Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam, một số Tập đoàn lớn như Samsung, LG đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ta và ta là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, trong đó ta xuất khẩu 6,7 tỷ USD (tăng 19,9% so với năm 2012) và nhập khẩu 20,8 tỷ USD (tăng 34,1% so với năm 2012). Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc4 năm 2012 là 9,95 tỷ USD (tăng 17,9% so với năm 2011) và năm 2013 là 14,1 tỷ USD (tăng 42,7% so với năm 2012). Ngày 6/8/2012, hai nước đã khởi động đàm phán FTA song phương, đến nay đã tiến hành 3 phiên đàm phán. Tuyên bố chung Việt - Hàn nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pắc Cưn Hê (9/2013) đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020 và phấn đấu ký FTA Việt - Hàn trong năm 2014.

Về ODA, Hàn Quốc là nước cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là trọng tâm và là 1 trong 26 “đối tác chiến lược về ODA”. ODA của Hàn Quốc triển khai theo 3 trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ta và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định hợp tác về viện trợ phát triển, trong đó Hàn Quốc cam kết cung cấp cho ta 1,2 tỷ USD vốn ưu đãi trong giai đoạn 2012-2015, tăng 200 triệu USD so với giai đoạn 2008-2011.

Về du lịch, Hàn Quốc là nước đứng thứ hai về nguồn cung cấp khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2013 có 748,7 nghìn lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 6,8% so với năm 2012. Khách Việt Nam thăm Hàn Quốc cũng tăng khá, đạt 100 nghìn lượt năm 2013. Hiện trung bình mỗi tuần có khoảng 100 chuyến bay trực tiếp giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

3. Về văn hoá - giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008) cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin giáo dục - đào tạo. Hiện có trên 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc, đa phần là học đại học và cao học.

4. Về kiều dân, hiện mỗi nước có khoảng 123 nghìn công dân sinh sống tại nước bên kia. Ta có khoảng 63 nghìn lao động, 50 nghìn phụ nữ kết hôn với nam giới Hàn Quốc (đứng thứ hai sau Trung Quốc) và 5000 du học sinh.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của ta và ta là nước xuất khẩu lao động lớn thứ 2 sang Hàn Quốc. Trong năm 2012, ta có hơn 9.800 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc. Tới nay, ta đã đưa 63.000 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình Cấp phép tuyển dụng (EPS). Ngày 31/12/2013, hai bên đã ký “Bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc”5. Theo đó khoảng 16.000 lao động Việt Nam có đủ điều kiện tuyển dụng sẽ được sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014.

5. Viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Việt Nam

Năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ 30 ngàn USD giúp ta khắc phục bệnh cúm gà. Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần viện trợ giúp ta khắc phục hậu quả lũ lụt, cụ thể là năm 1995: 30 ngàn USD, năm 1996: 100 ngàn USD, năm 1999: 40 ngàn USD, năm 2000: 30 ngàn USD, năm 2003: 10 ngàn USD, năm 2005: 20 ngàn USD, năm 2006: 50 ngàn USD, năm 2009: 100 ngàn USD, năm 2010: 100 ngàn USD, năm 2011: 200 ngàn USD.

6. Các tổ chức hữu nghị

Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (thành lập 9/1994, hiện do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch), Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam (thành lập năm 2001, hiện ông Chuê Yêng Chu, Chủ tịch Công ty may Panko Hàn làm Chủ tịch).

Tháng 5/1993, Hàn Quốc thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, hiện do ông Li Biêng Sớc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc thổ Hải dương Quốc hội làm Chủ tịch. Tháng 5/1995, Việt Nam thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng làm Chủ tịch.

7.  Hợp tác địa phương

Hiện có khoảng gần 40 địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Seoul, Tp. Hồ Chí Minh – Tp. Busan, Tp. Đà Nẵng – Tp. Deagu, Tp. Hải Phòng – Tp. Incheon, tỉnh Vĩnh Phúc – tỉnh Jungjeongbuk, tỉnh Kiên Giang – tỉnh Jeju, Tp. Hải Dương – Tp.UiCheongbu (tỉnh Gyeonggi), tỉnh Quảng Nam – Tp. Osan (Tỉnh Gyeonggi), tỉnh Đồng Nai – tỉnh Gyeongsangnam, tỉnh Khánh Hòa- Tp. Ulsan, tỉnh Thái Nguyên – tỉnh Gyeongsangbuk, tỉnh Phú Thọ - Tp. Hwaseong (tỉnh Gyeonggi)…v.v.

8. Dòng họ Lý của Việt Nam tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam đang sinh sống là dòng họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​